Trước kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) về một số bất cập tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, Nghị định 38/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và một số quy định hiện hành liên quan, Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản trả lời về một số đề xuất, kiến nghị liên quan.
Chế biến cá tra xuất khẩu ở nhà máy của Tập đoàn Sao Mai (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Về kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP, Cục Kiểm ngư cho rằng, việc quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên là rất cần thiết và phù hợp trong thực tiễn hiện nay. Vì nguồn lợi hải sản ở nước ta suy giảm cả về trữ lượng và chất lượng trong nhiều năm qua. Trữ lượng tức thời nguồn lợi hải sản ở giai đoạn 2016-2020 ước tính khoảng 3,95 triệu tấn và giảm 22,1% so với trữ lượng 5,07 triệu tấn trong giai đoạn 2000-2005.
Nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm nguồn lợi được xác định là do cường lực khai thác quá mức, đặc biệt là khai thác xâm hại thủy sản con non, kích thước nhỏ chiếm tỷ lệ cao trong sản lượng khai thác.
Kết quả điều tra sinh học nghề cá giai đoạn 2015-2020 đã chỉ ra rằng, tỷ lệ mức độ xâm hại nguồn lợi của các loài thủy sản kinh tế ở mức rất cao, xảy ra ở các loại nghề, các vùng biển và hầu hết thời điểm trong năm. Vào mùa sinh sản và ương nuôi nguồn giống thủy sản, tỷ lệ xâm hại nguồn lợi của một số loài kinh tế đạt mức tuyệt đối với 100% sản lượng là cá, tôm, mực con non, kích thước nhỏ. Vì vậy, để phát triển ngành thủy sản xanh và bền vững cần phải có các giải pháp giảm thiểu mức xâm hại, bảo vệ và phục hồi nguồn lợi.
Theo Cục Kiểm ngư, nguồn lợi thủy sản được xác định là tài nguyên tái tạo và có khả năng phục hồi nhanh. Giảm cường lực khai thác là giải pháp lâu dài, cần có lộ trình và các cơ chế, chính sách đi kèm. Ngăn chặn, hạn chế khai thác xâm hại thủy sản con non nhằm bảo vệ các thế hệ kế cận hướng tới tăng lượng bổ sung cho nguồn lợi ở chu kỳ, năm tiếp theo được xác định là phù hợp trên cơ sở các quy luật sinh học quần thể.
Ở các nước trên thế giới, kích thước khai thác tối thiểu là kích thước nhỏ nhất của loài thủy sản được phép khai thác bằng các loại nghề và ngư cụ khai thác khác nhau, đây là biện pháp kỹ thuật trong quản lý nguồn lợi thủy sản. Quy định kích thước khai thác tối thiểu đã được đưa vào quy định quản lý nghề của các tổ chức (FAO, IATTC...) và nhiều quốc gia (Mỹ, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc...).
Ở Việt Nam, kích thước khai thác tối thiểu đã được quy định gần 20 năm tại các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực thủy sản. Kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản kinh tế và loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm trong các vùng nước tự nhiên được quy định tại Thông tư số 02/2006/TTBTS ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Thông tư số 62/2008/TT-BNN ngày 20/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tại các văn bản này, tỷ lệ cho phép lẫn các đối tượng nhỏ hơn kích thước quy định không quá 15% sản lượng thủy sản khai thác được.
Tại điểm b, Khoản 1, Điều 60, Luật thủy sản 2017 quy định: Hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp là khai thác loài thủy sản nhỏ hơn quy định, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ chỉ quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác cho các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm mà thiếu các quy định kích thước khai thác tối thiểu cho các loài thủy sản kinh tế quan trọng, chiếm tỷ lệ ưu thế trong sản lượng khai thác của ngành thủy sản.
Mục đích của quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác nhằm hướng tới bảo vệ nguồn lợi của các loài thủy sản ở giai đoạn con non, kích thước nhỏ, chưa thành thục sinh dục, đảm bảo cho đàn thủy sản con non tham gia vào sinh sản và tăng khả năng tái tạo nguồn lợi.
Kích thước khai thác tối thiểu được xác định dựa trên giá trị kích thước của loài thủy sản mà ở đó 50% cá thể thành thục, tham gia sinh sản lần đầu (Length at first maturity - Lm50). Giá trị Lm50 khác nhau theo loài, theo giới và theo vùng biển. Kích thước tối thiểu được phép khai thác là giá trị bằng hoặc lớn hơn giá trị Lm50 và được làm tròn để đảm bảo thuận tiện khi áp dụng vào thực tiễn quản lý.
Kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản quy định tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP dựa trên kết quả nghiên cứu, xác định kích thước thành thục, tham gia sinh sản lần đầu (Lm50) của các loài thủy sản kinh tế ở vùng biển nước ta trong những năm gần đây (do Viện Nghiên cứu Hải sản nghiên cứu, cung cấp).
Nghị định số 37/2024/NĐ-CP quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác cho các loài thủy sản kinh tế quan trọng, chiếm ưu thế trong sản lượng khai thác hải sản ở vùng nước ta. Đồng thời, tỷ lệ cho phép lẫn các đối tượng nhỏ hơn kích thước quy định không quá 15% sản lượng thủy sản khai thác cũng được quy định rõ ở văn bản này để thuận tiện áp dụng vào thực tiễn công tác quản lý.
Về quy định thông báo trước 72 giờ (đối với tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thủy sản) và 48 giờ (đối với tàu container nhập khẩu) tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP, Cục Kiểm ngư cho rằng, việc quy định khai báo trước 48 giờ đối với tàu công ten nơ là quy định tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi công ten nơ vào đến cảng Việt Nam thì thủ tục đã sẵn sàng cho hàng vào Việt Nam. Đã tính toán đối với những chặng vận chuyển ngắn của tàu công ten nơ do thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu hải sản khai thác từ các nước trong khu vực Đông Nam Á trung bình khoảng 48 giờ. Nội dung này cũng đã được trao đổi với VASEP trong quá trình xây dựng Nghị định số 37/2024/NĐ-CP.
Đối với quy định khai báo 72 giờ trước khi cập cảng theo Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng (PSMA). Số liệu thống kê các hàng thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản vào Việt Nam theo hai hình thức là dạng hàng xá và hàng rời. Hai năm gần đây, 100% đều được khai thác ở các quốc đảo Thái Bình Dương. Việc thẩm định thông tin với quốc gia treo cờ ở các quốc đảo Thái Bình dương cần phải tính tới chênh lệch về múi giờ có nơi lên tới 17 giờ và thời gian làm việc trong ngày của các quốc gia này. Do vậy, 72 giờ chỉ là thời gian tối thiểu để thực hiện được thẩm định thông tin theo yêu cầu của Hiệp định (một số quốc gia phát triển quy định dài hơn, như Hoa Kỳ 96 giờ). Quy định 72 giờ chỉ đáp ứng được trong điều kiện Việt Nam có cơ chế hợp tác tốt với quốc gia treo cờ và các tổ chức quản lý nghề cá khu vực.
Hàng xá, hàng rời như nêu ở trên được cập cảng lần đầu tiên để chuyển tải hoặc lên cá đều được thực hiện cả tháng trước khi vào Việt Nam, do vậy các giấy tờ liên quan đến giấy phép khai thác, nhật kí khai thác, nhật kí chuyển tải hoàn toàn có thể có được khi hàng được đưa vào cập bờ tại cảng đầu tiên.
Quá trình triển khai thực tiễn hồ sơ và các thông tin theo yêu cầu đều được cung cấp vượt hơn quy định thời gian của Nghị định 26/2019/NĐ-CP. Rất nhiều trường hợp hồ sơ được cung cấp trước 1 tuần để phục vụ việc thẩm định thông tin, bảo đảm ngay việc cho phép tàu vào cảng và bốc dỡ hàng.